Đắk Lắk: Bước đầu xã hội hóa chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đạt kết quả cao
Cập nhật lúc: 07/03/2016
Cập nhật lúc: 07/03/2016
Từ năm 2007 đến nay, chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk triển khai liên tục dưới sự hỗ trợ của nhà nước về các loại vật tư (bình chứa ni tơ, tinh đông lạnh, khí ni tơ hóa lỏng, găng tay, ống gen) và đã đào tạo được đội ngũ dẫn tinh viên hoạt động có tổ chức, nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với nghề cùng sự đồng lòng của bà con chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhờ đó chất lượng đàn bò có nhiều khởi sắc như được thay “áo mới”, từ những con bò địa phương có tầm vóc nhỏ được phối với tinh những con bò đực giống tốt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho ra đàn bò lai có tốc độ sinh trưởng phát triển nhanh, cải tiến về tầm vóc, tăng khả năng sản xuất, đặc biệt xây dựng được đàn bò cái lai làm nền để lai tạo các giống bò chuyên thịt chất lượng cao.
Phát triển chăn nuôi bò là tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk, đàn bò có số lượng 180.807 con (nguồn niên giám thống kê 2014) nhưng chủ yếu là bò Vàng Việt Nam có tầm vóc nhỏ, khả năng sản xuất thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Để khai thác được ưu thế đó thì việc cải tiến về chất lượng con giống có thể bằng cách sử dụng bò đực giống hay phương pháp thụ tinh nhân tạo nhưng phương pháp thụ tinh nhân tạo thường có hiệu quả cao và chi phí thấp hơn. Đấy là vấn đề bức thiết để ngành chăn nuôi bò của tỉnh Đắk Lắk phát triển mạnh theo hướng sản xuất thâm canh hàng hóa và xuất khẩu.
Từ năm 2007 đến nay, chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk triển khai liên tục dưới sự hỗ trợ của nhà nước về các loại vật tư (bình chứa ni tơ, tinh đông lạnh, khí ni tơ hóa lỏng, găng tay, ống gen) và đã đào tạo được đội ngũ dẫn tinh viên hoạt động có tổ chức, nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với nghề cùng sự đồng lòng của bà con chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhờ đó chất lượng đàn bò có nhiều khởi sắc như được thay “áo mới”, từ những con bò địa phương có tầm vóc nhỏ được phối với tinh những con bò đực giống tốt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho ra đàn bò lai có tốc độ sinh trưởng phát triển nhanh, cải tiến về tầm vóc, tăng khả năng sản xuất, đặc biệt xây dựng được đàn bò cái lai làm nền để lai tạo các giống bò chuyên thịt chất lượng cao. Tuy nhiên, chương trình vẫn có những khó khăn trong quá trình thực hiện do trình độ dân trí không đồng đều, sự hiểu biết hạn chế của bà con về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản; địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, đàn bò tập trung chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã ảnh hưởng đến kết quả thụ tinh nhân tạo và công tác kiểm tra; kho bảo quản vật tư phục vụ chương trình thụ tinh nhân tạo chưa đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật. Mặt khác, nguồn kinh phí phục vụ chương trình ngày càng khó khăn chỉ tạm đáp ứng được phần ni tơ lỏng bảo quản tinh, không có kinh phí để mua tinh, tuyên truyền nhân rộng, đào tạo thêm dẫn tinh viên mới và tập huấn kỹ thuật cho bà con.
Từ giữa năm 2013, kế thừa dựa trên nền tảng mà chương trình đã xây dựng được từ những năm trước cùng những khó khăn thách thức được xem là điều kiện tiên quyết để Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk đưa ra giải pháp tiến hành xã hội hóa chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo thu hút sự tham gia của người chăn nuôi, đội ngũ dẫn tinh viên và chính quyền địa phương nhằm mục tiêu đẩy mạnh hoạt động khuyến nông và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp địa phương phù hợp trong tình hình mới, giải quyết những khó khăn về nguồn vốn để duy trì chương trình và phục vụ nhu cầu thiết thực của bà con chăn nuôi ngày càng tăng trên địa bàn tỉnh.
Qua 2 năm, thực hiện tổ chức công tác xã hội hóa là một tín hiệu khả quan, chương trình cải tạo đàn bò vẫn phát triển tốt cả về chất lượng và số lượng đã có 12.556 con bò được phối bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ bê lai chuyên thịt chất lượng cao tăng từ 20% lên 30%, số bê lai sinh ra là 7.946 con có ngoại hình đẹp, tỷ lệ nuôi sống trên 95%, cùng tháng tuổi bê lai tăng trọng gấp 1,5 lần so với bê địa phương, thu nhập tăng thêm khoảng 30 tỷ đồng/năm cho người chăn nuôi bò trên toàn tỉnh.
Đội ngũ dẫn tinh viên nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, tận tâm, không ngại khó khăn, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, kiên trì mang những tiến bộ kỹ thuật mới này đến vùng sâu, vùng xa đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số giúp người dân nhận thức thay đổi tập quán chăn nuôi. Các dẫn tinh viên có ý thức cao hơn trong việc tiết kiệm vật tư thụ tinh nhân tạo, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, thận trọng khi phối giống để đạt tỷ lệ thụ thai cao nhất. Thêm vào đó, sự quan tâm của một số chính quyền địa phương đã hỗ trợ một phần kinh phí cho người chăn nuôi bò khi tham gia chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hiệu ứng của chương trình đã tác động đến đội ngũ dẫn tinh viên và bà con chăn nuôi bò đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đồng thuận chấp nhận tham gia đối ứng kinh phí mua vật tư (tinh đông lạnh, găng tay, ống gen) phục vụ nhu cầu thiết thực của người chăn nuôi, cũng nhờ đó nhiều người chăn nuôi tự tuyên truyền lẫn nhau để nâng cao kiến thức chăn nuôi. Từ đó đã xuất hiện nhiều gia trại chăn nuôi vỗ béo bò thịt chất lượng cao mang lại hiệu quả lớn cho người chăn nuôi để hình thành làng nghề chăn nuôi bò thịt.
(Gia trại của gia đình ông Nguyễn Văn Bân tại xã Xuân Phú – huyện Ea Kar – Đắk Lắk)
Phía sau những thành quả đó có sự nỗ lực, tận tâm của cán bộ khuyến nông đặc biệt là đội ngũ dẫn tinh viên. Đấy chính là nguồn động lực thôi thúc họ kiên trì, bền bỉ trên hành trình đưa những giống bò chuyên thịt chất lượng cao đến với người chăn nuôi. Chương trình này mang tính nhân văn đã được xã hội chấp nhận quy tụ sự tham gia của người dân và có sức lan tỏa mạnh ra cộng đồng mang lại hiệu quả cao, bền vững, thiết thực, tăng thu nhập cho người dân chăn nuôi bò góp phần nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí để đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên mới để kế cận, tuyên truyền nhân rộng giúp các hộ nghèo, các hộ ở vùng sâu vùng xa có thể tham gia chương trình.
Có thể nói công tác xã hội hóa chương cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo là sức mạnh tổng lực của các cả hệ thống khuyến nông, chính quyền địa phương và người chăn nuôi giúp chương trình ngày càng phát triển bền vững. Thực tế này đưa ra định hướng những năm tiếp theo cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đổi mới công tác khuyến nông trong tình hình mới gắn với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Cao Phúc