Cộng tác viên khuyến nông Buôn làng - cánh tay nối dài của hệ thống khuyến nông Thành phố
Cập nhật lúc: 10/06/2020
Cập nhật lúc: 10/06/2020
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp trong thời kỳ hiện đại hóa nông thôn, từ ngày 3/6 đến ngày 5/6/2020, trạm Khuyến nông Thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức đợt tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên khuyến nông của 33 buôn đồng bào dân tộc tại chỗ của Thành phố theo kế hoạch đã đề ra năm 2020.
Cộng tác viên khuyến nông các Buôn đồng bào là lực lượng nồng cốt có kiến thức nông nghiệp, đại diện bà con tiếp thu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới tại các buôn làng hiện nay.
Tại chương trình tập huấn lần này, 32 cộng tác viên khuyến nông (học viên) của 32 Buôn (vắng 1 học viên) đã được các giảng viên (thuộc trạm Khuyến nông Thành phố) có kinh nghiệm thâm niên trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, nhằm hướng đến sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra các sản phẩm an toàn, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường. Ngoài các biện pháp thâm canh, học viên đã được chuyển giao và phân tích về kỹ thuật trồng xen sầu riêng, bơ, tiêu trong vườn cà phê vối theo qui trình “mới” của Bộ Nông Nghiệp & phát triển nông thôn (tại QĐ số 3702/QĐ-BNN-TT, ngày 24/9/2018 của Bộ Nông nghiệp). Đối với chăn nuôi, học viên được tập huấn chuyên sâu về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng nhiều về các biện pháp phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi đang hoành hành hiện nay ( đã có 11 đơn vị phường, xã địa bàn TP Buôn Ma Thuột bị dịch tả lợn Châu phi).
Ngoài ra học viên còn được hướng dẫn Nghị Định 83/2018/NĐ-CP, ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông, với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông và khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thông qua hoạt động Khuyến nông. Theo đó đã phân tích các “điểm mới” trong Nghị định 83 cho cộng tác viên khuyến nông nắm bắt, các chính sách mà Chính phủ đã quan tâm hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp. Chẳng hạn như “Chính sách bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo” thì “ưu tiên đào tạo cán bộ khuyến nông là nữ, người dân tộc thiểu số” (tại mục c, điều 27 của NĐ83); hỗ trợ tối đa đến 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình, đối với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao … Trạm Khuyến nông Thành phố cũng đã triển khai Nghị định 109/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ, theo đó hướng dẫn cho công tác viên những quy định về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, và các chính sách sản xuất nông nghiệp hữu cơ…Ngoài ra, Trạm Khuyến nông còn giới thiệu một số mô hình hiệu quả và hướng đến phát triển chuỗi liên kết giá trị đối với một số sản phẩm chủ lực của địa phương như sản phẩm dưa lưới, sầu riêng xen trong cà phê…Kết thúc đợt tập huấn có 6 học viên mới tham gia lần đầu được lãnh đạo Trung tâm khuyến nông tỉnh cấp chứng nhận hoàn thành chương trình nâng cao năng lực cho cộng tác viên thôn buôn.
Hy vọng sau đợt tập huấn lần này, những cộng tác viên khuyến nông của các Buôn đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Buôn Ma Thuột, bằng những việc làm cụ thể, sẽ triển khai đến từng hộ bà con, làm cho bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm… mạnh dạn áp dụng kiến thức mới về tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp để gia tăng thu nhập. Ngoài ra, mỗi khuyến nông viên còn là một tuyên truyền viên tích cực, trở thành "cầu nối" đưa các chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn đến với bà con buôn làng, để bà con tự làm giàu trên chính cánh đồng và mảnh vườn của mình, góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội của địa phương. Hay nói một cách khác, cộng tác viên khuyến nông buôn làng là cánh tay nối dài đến tận cơ sở để thực hiện chương trình khuyến nông của địa phương một cách hiệu quả.
Cẩm Lai - Trạm KN TP.BMT