CHUYỂN ĐỔI TRỒNG NGÔ NẾP TRÊN RUỘNG LÚA BẤP BÊNH TẠI HUYỆN KRÔNG PẮK
Cập nhật lúc: 11/06/2021
Cập nhật lúc: 11/06/2021
Biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề được quốc tế công nhận, tác động của nó đã được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu, trong một loạt các lĩnh vực khác nhau - Nông nghiệp là một trong số các lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ nhất...
Những tác động chính đến sản xuất nông nghiệp được dự kiến sẽ tăng biến, sản lượng sẽ giảm trong những khu vực nhất định và những thay đổi về mặt địa lý. Để thích ứng với biến đổi khí hậu thì chúng ta phải có các thực hành sản xuất nông nghiệp mới, vụ Đông Xuân 2020 – 2021, Trung tâm Khuyến nông - GCTVN & TS tỉnh Đăk Lăk triển khai thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng trên ruộng lúa bấp bênh bằng giống Ngô nếp tại xã Krông Buk - huyện Krông Pắk - tỉnh Đăk Lăk với qui mô 2,7 ha/ 09 hộ tham gia.
Ảnh: Mô hình Ngô nếp tím dẻo Fancy 111 Thái lan tại Huyện Krông Păc
Qua Hội thảo, mô hình đã được bà con nông dân tại địa phương tiếp nhận và đánh giá cao về sự sinh trưởng phát triển của giống ngô nếp tím dẻo Fancy 111 Thái Lan. Giống có thời gian sinh trưởng ngắn (65-68 ngày), cây to phát triển khỏe, rễ chân nơm, trái đóng thấp, chống đỗ ngã trong mùa mưa rất tốt, kháng bệnh rỉ sắt và sọc lá cao, ít sâu, trái to, trọng lượng trung bình (350gr/trái), trái dài sau khi bóc vỏ khoảng 18-20cm, hạt đóng thẳng hàng, ăn rất ngon, thơm, để nguội ăn vẫn dẻo, lá bi xanh đậm nhìn rất đẹp, tỷ lệ trái loại I cao trên 90% không bị lòi cùi, phù hợp với thị hiếu người ăn. Năng suất trung bình trồng vụ Đông Xuân tại Krông Pắk đạt hơn 1.500kg tươi/1.000m2.
Thông qua mô hình đã giúp bà con nông dân địa phương hiểu biết thêm về quy trình kỹ thuật chuyển đổi cây trồng trên ruộng lúa bấp bênh bằng cây Ngô nếp để áp dụng cho các năm tới đạt hiệu quả hơn, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác cũ hướng tới áp dụng đầu tư hiệu quả hơn trên ruộng lúa bấp bênh so với trước đây.
Mô hình đã khẳng định thêm một hướng mới trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu về đối tượng cây trồng ngành nông nghiệp. Mặt khác, mô hình còn có tác động tới bà con nông dân biết cách tận dụng tối đa về tiềm năng sẵn có của mình để giải quyết được công ăn việc làm cho nguồn lao động nông thôn, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập và có thể làm giàu cho gia đình và xã hội./.
Xuân Kỳ - TTKN-GCT,VN&TS