BIỆN PHÁP PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG TRÊN TRÂU, BÒ
Cập nhật lúc: 04/10/2017
Cập nhật lúc: 04/10/2017
Hiện nay, do tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên trâu, bò. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh, vì vậy Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk đưa ra một số biện pháp phòng và điều trị bệnh LMLM cho trâu, bò.
Hiện nay, do tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên trâu, bò. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh, vì vậy Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk đưa ra một số biện pháp phòng và điều trị bệnh LMLM cho trâu, bò.
Bệnh lở mồm long móng do virus gây ra, là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm bởi nó có tính chất lây lan nhanh mạnh trên diện rộng, là bệnh chung cho nhiều loại gia súc trong đó có trâu, bò.
Triệu chứng, chẩn đoán
Con vật mệt mỏi, ủ rủ, mũi khô, da nóng, sốt cao từ 41-420C, kéo dài 2-3 ngày, chảy nước mắt nước mũi khi sốt, sau đó phát hiện những mụn nước nhỏ bằng hạt kê, trên má, môi, lợi và chân răng. Ttriệu chứng điển hình là mụn nước ở niêm mạc miệng và ở xung quanh móng chân. Mụn nước có màng mỏng, có nước vàng, dần dần vẩn đục, sau vài ngày vỡ tạo thành vết loét to và sâu, khi xuất hiện các mụn loét trên niêm mạc miệng, lưỡi, con vật ăn uống rất khó khăn, nhai lại giảm.
Cách chẩn đoán: Căn cứ chủ yếu vào triệu chứng, bệnh tích điển hình (mụn nước, vết loét ở miệng, lưỡi, vú, và quanh móng chân). Căn cứ vào tình hình dịch tễ của bệnh phát ra ở vùng rộng lớn, lan nhanh.
Điều kiện lây truyền bệnh
Bệnh LMLM có khả năng lây qua nhiều con đường khác nhau, bệnh lây lan trực tiếp do tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe, ngoài ra có thể lây qua phân, nước tiểu hoặc dụng cụ chăn nuôi….Các loài gia súc ở các lứa tuổi đều bị bệnh. Bê nghé non bị bệnh nặng hơn và chết với tỷ lệ cao hơn trâu, bò trưởng thành. Bệnh lây qua đường hô hấp. Gia súc bệnh và gia súc mang virut là nguồn tàng trữ và làm lây truyền virut trong đàn gia súc. Trâu, bò khi bệnh vẫn mang và thải virut từ 2-5 tháng đôi khi kéo dài 12 tháng. Các ổ dịch LMLM có thể xảy ra quanh năm nhưng thường xuất hiện vào các tháng nóng ẩm từ tháng 4-tháng 9.
Phòng và trị bệnh
Phòng bệnh:
- Khi chưa có dịch: Tổ chức tiêm phòng vaccin LMLM cho đàn trâu, bò các ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ phát dịch theo định kỳ 1 năm/lần. Mỗi lần trâu, bò phải tiêm 2 mũi; mũi đầu cách mũi thứ 2 từ 4-6 tuần tuổi. Thực hiện vệ sinh chuồng trại hàng ngày và phun thuốc sát trùng định kỳ (2 tuần/lần). Nuôi dưỡng chăm sóc tốt đàn trâu, bò để nâng cao sức đề kháng, đảm bảo khẩu phần ăn và nước sạch theo nhu cầu của trâu, bò. Thực hiện nghiêm ngặt về kiểm dịch khi mua bán trâu, bò.
- Khi có dịch xảy ra: Khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh phải cách ly với trâu, bò khỏe và tiến hành điều trị hoặc tiêu hủy. Trâu, bò ốm và chết trong ổ dịch phải tiêu hủy theo quy định thú y, đồng thời bà con cần kê khai đúng thiệt hại của gia đình cho chính quyền địa phương. Thực hiện vệ sinh tiêu độc khu vực chuồng trại. Không vận chuyển giết mổ phân phối thịt súc vật trong khu vực có dịch. Tổ chức tiêm phòng vaccin LMLM ở xung quanh vùng có dịch và vùng bị dịch uy hiếp. Không tiêm thẳng vaccin vào ổ dịch.
Điều trị bệnh: Hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu. Người chăn nuôi có thể sử dụng các dung dịch thuốc sát trùng bôi vào các vết lở loét như: xanhmetylen 5%o, Iodin 1%o, các dịch lá chát (lá ổi, lá sim) bôi vào các ổ lở loét ở miệng, chân móng… để nhanh khỏi bệnh về lâm sàng.
Nhằm không để xảy ra dịch bệnh xảy ra hay hạn chế sự lây lan mầm bệnh trên đàn gia súc, bà con chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác tiêm phòng, vệ sinh chăn nuôi thú y. Khi có dịch bệnh xảy ra, bà con cần báo cáo và phối hợp tốt với chính quyền địa phương, cơ quan thú y để tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống và dập dịch ở địa phương để giảm thiểu tối đa sự thiệt hại về kinh tế.
Cao Phúc
(Nguồn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)