• Tìm chúng tôi trên

Bao quả từ trên cây - Biện pháp quan trọng bảo vệ chất lượng sản phẩm cây ăn quả

23/11/2021 15:27:12 GMT+7

Nhìn vườn bơ Hass đang thời kỳ quả, được bao trong những chiếc túi màu trắng nổi bật trên nền xanh của tán lá, tạo một vùng sáng xanh thật đẹp mắt. Anh Trịnh Xuân Mười, chủ nhân của khu vườn bơ rộng lớn tại thôn Cao Thành xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, ngoài các biện pháp liên quan tác động để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cây ăn quả thì không thể thiếu biện pháp “bao quả” bơ từ lúc quả non để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Không riêng gì quả bơ, hầu hết các sản phẩm quả giá trị, được bao bọc từ nhỏ, giúp chuyển đổi sắc tố của trái cây, hạn chế hư hao do sâu bệnh, tăng số lượng quả hữu hiệu, tăng trọng lượng quả và mẫu mã đẹp hơn, góp phần làm nên thương hiệu của từng sản phẩm.

Theo ông Phạm Văn Trọng, chủ nhân của hơn 3 ha cây ăn quả các loại gồm xoài, bưởi da xanh, quýt, ổi, na, sầu riêng tại thôn 11, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, mục đích của việc bao quả các loại sản phẩm cây ăn quả là ngăn chặn hiệu quả sự tấn công của côn trùng, nấm bệnh lên quả, giúp nhà nông bán được với giá tốt hơn. Theo đó, hầu hết các loại sản phẩm từ cây ăn quả của gia đình ông Trọng đều được bao bọc quả từ khi quả còn non bằng các loại bao chuyên dụng từng loại quả, năng suất tăng khoảng 20% so với không bao quả. Từ lúc gia đình sử dụng bao chuyên dụng cho xoài, ổi, na thì tiểu thương đã vào đặt mua tại vườn. Kể cả khi sản phẩm không xuất được trong thời gian giãn cách do dịch covid-19 thì vẫn bán tốt ở thị trường nội địa. Tùy theo thị hiếu về màu sắc vỏ quả mà các doanh nghiệp, tiểu thương đề nghị chủ vườn xử dụng loại bao bọc đặt trưng. Hiện tại, với giống xoài Đài Loan của anh Trọng được bao quả bằng 2 loại bao giấy (xuất xứ Đài Loan). Loại bao giấy 2 lớp (ngoài màu vàng, lớp bên trong than đen), thì khi thu hoạch, vỏ quả xoài có màu sáng, xanh trắng, mướt mịn rất đẹp mắt. Xoài được bao bọc bằng bao giấy màu trắng thì khi thu hoạch, vỏ quả xoài có màu xanh đậm. Khi được bao quả thì chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng một lần để làm sạch mầm móng sâu, bệnh trên quả trước khi bao. Còn nếu không bao quả thì phải xịt thuốc rất nhiều lần trong một vụ mới hạn chế sâu, bệnh hại, nhưng năng suất vẫn giảm, chưa kể chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng do dư lượng hóa chất, môi trường ô nhiễm, hệ sinh thái mất cân bằng, đất đai thoái hóa… Anh Trọng cho biết thêm, nếu so sánh đầu tư giữa bao quả (tiền mua bao bọc quả và công lao động đi bao) và không bao quả (phải sử dụng thuốc BVTV và công đi bơm thuốc) thì bằng nhau. Tuy nhiên giá trị việc bao quả là hiệu quả kinh tế tăng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Riêng quả na (mảng cầu ta, giống Thái) nếu không bao quả từ nhỏ, khó mà tránh khỏi côn trùng ruồi vàng đục quả và rệp sáp bám kẻ quả, theo đó thị trường khó chấp nhận, đồng nghĩa với vấn đề đầu ra hết sức khó khăn.

Ảnh: Vườn Xoài giống Đài Loan của anh Trọng được bao quả từ nhỏ

Ảnh: Tùy theo thị hiếu khách hàng, anh Trọng sử dụng 02 loại bao quả trên cùng một cây  Xoài

Ảnh: Màu sắc quả khác nhau khi sử dụng loại bao quả khác nhau

Đối với khu vườn hơn 3 ha với nhiều loại cây ăn quả như ổi, bưởi, xoài… đang thời kỳ kinh doanh tại thôn 9, xã Hòa Phú, Buôn Ma Thuột của anh Võ Duy Tân, cũng đều được bao quả từ khi quả non. Anh Tân chia sẻ, có đa dạng túi bao quả, mỗi loại quả khác nhau sẽ có những túi bao quả chuyên dụng tương ứng. Riêng quả ổi, dùng biện pháp bao quả, hiệu quả kinh tế tăng gần 50% so với không bao quả. Bao dùng cho quả ổi có 2 lớp lồng vào nhau, lớp bên trong bằng xốp được thiết kế có nhiều ô đàn hồi để nới dần theo kích thước phát triển của quả, lớp bên ngoài bằng nilon chuyên dụng. Khi quả ổi được bao lại, hạn chế tối đa côn trùng chích hút và bào tử nấm xâm nhập, không phải xử dụng thuốc hóa học. Ngoài ra việc bao bọc quả tránh được sự va đập quả với nhau, không gây trầy xướt quả trong mùa mưa, gió của Tây nguyên, không còn lo sợ tình trạng rụng, nứt và thối quả, bảo vệ quả kể cả lúc thu hoạch, vận chuyển. Anh Duy Tân cho biết thêm, khi tìm hiểu và sử dụng các loại bao bọc quả cần chú ý đến tính lý hóa của các loại bao, phù hợp với đặc điểm của từng loại quả. Chẳng hạn như quả bưởi, thì phải dùng loại bao tự hoai mục trước khi thu hoạch quả bưởi một thời gian, để quả già tiếp xúc với ánh sáng thì màu da mới đẹp. Nếu sử dụng không đúng loại bao quả chuyên dụng phụ hợp, thì mẫu mã quả chẳng những đẹp lên mà còn xấu đi (nhiều nhà vườn đã bị như vậy). Biện pháp bao quả đã góp phần lớn cho việc tiêu thụ nội địa các sản phẩm trái cây trong đợt dịch covid -19 vừa qua.

Ảnh: Vườn Bơ của anh Trịnh Xuân Mười được bao quả từ nhỏ

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp Hội nông nghiệp số Việt Nam, người gắn bó với sản phẩm cây ăn quả trên thị trường xuất khẩu và nội địa cho biết, hiện nay một trong những khó khăn của việc xuất khẩu cây ăn quả là vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm. Việc bao bọc các loại sản phẩm quả từ trên cây trong quá trình sản xuất là hết sức cần thiết nâng cao chất lượng, nhưng tại Việt Nam nói chung và Đăk Lăk nói riêng, người sản xuất chưa quan tâm đầy đủ. Riêng vùng nguyên liệu sản phẩm quả vải tại một số huyện của tỉnh Đăk Lăk vẫn chưa áp dụng biện pháp bao quả vải nên hiện tượng sâu đục cuống quả vải trong thời kỳ thu hoạch, làm ảnh hưởng đến năng suất, mẫu mã và chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến liên kết đầu ra.

Biện pháp bao quả các sản phẩm trong vườn cây ăn quả của nhiều hộ dân tại địa phương đã đáp ứng các tiêu chí thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam và đã được thành phố hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP. Với qui trình sản xuất VietGAP hiện nay, người sản xuất dần hướng đến sản xuất hữu cơ dễ dàng hơn. /.

Cẩm Lai – Trạm KN TP. BMT

 

 

 

 

TIN NỔI BẬT