• Tìm chúng tôi trên

Thiên địch của sâu hại lúa và biện pháp quản lý, bảo vệ

09/03/2021 14:38:46 GMT+7

Hiện nay lúa nước vụ đông xuân đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, một số diện tích gieo sớm đang làm đòng. Thời kỳ này, trên ruộng lúa xuất hiện nhiều đối tượng sâu hại phát sinh theo thời kỳ của cây lúa, cùng với đó rất nhiều loài thiên địch đang phát triển mạnh trên ruộng để khống chế sâu hại. Tuy nhiên, tại nhiều cánh đồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn tình trạng nông dân phun thuốc hóa học để trừ sâu hại đồng thời cũng tiêu diệt một lượng lớn thiên địch giúp bảo vệ cây lúa.

Khi nói đến “thiên địch” trên ruộng lúa thì hầu hết bà con sản xuất lúa đã từng nghe thông qua các phương tiện truyền thông hoặc đã được tập huấn và được hiểu đó là những sinh vật có lợi, khống chế dịch hại bảo vệ cây lúa. Thiên địch trên đồng ruộng vụ đông xuân thường gồm loài ăn mồi (các loài nhện, bọ rùa đỏ, bọ xít gai, bọ xít nước, bọ xít mù xanh, bọ cánh cứng ba khoang, muồm muỗm….) và loài ký sinh (các loài ong, nấm và vi rút ký sinh).

Trong mối quan hệ cân bằng sinh thái ruộng lúa, thiên địch là một mắt xích trong cấu trúc hỗ tương giữa các sinh vật cùng tồn tại theo thời gian. Cây lúa lấy năng lượng từ ánh sáng mặt trời và lấy dinh dưỡng từ trong đất; sâu hại sẽ lấy dinh dưỡng từ cây lúa để sống và hoàn thành vòng đời của mình; thiên địch thì lấy dinh dưỡng từ sâu hại để sinh trưởng phát triển….Theo đó, giữa chúng tạo thành một sự chu chuyển năng lượng, bản thân sinh vật này sẽ là thức ăn của sinh vật kia, hay còn gọi là chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái ruộng lúa. Như vậy, sự có mặt của sâu hại trên ruộng lúa là tất yếu, để cung cấp dinh dưỡng cho thiên địch duy trì nòi giống. Người nông dân không nhất thiết phải sử dụng thuốc hóa học để trừ sâu hại khi mật độ sâu chưa ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa.

Để minh chứng về lợi ích của thiên địch trên ruộng lúa, nghiên cứu nhân nuôi thí điểm của chương trình IPM tại Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung cho thấy, một con nhện Lycosa trưởng thành có thể ăn thịt từ 5 - 15 con rầy nâu mỗi ngày; ngoài rầy nâu chúng còn tấn công nhiều loài sâu hại khác như bướm của các loài sâu thuộc bộ cánh phấn. Bọ rùa đỏ, cả con trưởng thành và con ấu trùng đều ăn rầy nâu trưởng thành, rầy cám (rầy non) và trứng rầy; đồng thời ăn cả sâu non của sâu cuốn lá nhỏ, cuốn lá lớn và sâu keo. Bọ xít mù xanh tìm kiếm trứng rầy ở bẹ lá và thân cây lúa, rồi dùng vòi hút khô trứng, mỗi con một ngày có thể “ăn” từ 7 - 10 trứng, hoặc 1 - 5 con rầy. Các loại ong ký sinh bay khắp ruộng lúa tìm kiếm ổ trứng của rầy nâu, rồi dùng vòi dẫn trứng chích và đẻ trứng của chúng vào bên trong trứng của rầy nâu, làm cho trứng của rầy nâu bị “ung” không nở ra rầy cám được. Một ngày một con ong có thể tiêu diệt 2 - 8 trứng rầy, cá biệt có loài diệt tới 15 - 30 trứng. Riêng ong đen kén trắng thì đẻ trứng vào thân sâu non, sau đó trứng ong sẽ nở ong non và phát triển các pha của ong trong thân của sâu, sâu non bị hút hết dinh dưỡng nên chết khô. Ngoài ra còn có nhiều loại nấm, vi rút ký sinh rầy và các loại sâu non trên ruộng để hạn chế dịch hại xảy ra trên lúa. Thiên địch trên ruộng lúa còn tạo ra được một cái “đệm” chống những đợt di trú lớn của dịch hại từ nơi khác đến. Hay nói cách khác, khi có sự ồ ạt di trú của một loại dịch hại đến ruộng lúa, thiên địch có sẵn ở ruộng sẽ “hấp thụ” lực lượng côn trùng gây hại, không để bùng phát dịch hại, bảo vệ năng suất và chất lượng sản phẩm lúa gạo của nông dân.

Nhện Lycosa - một loài thiên địch có ích trên ruộng lúa.  (Ảnh sưu tầm)

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nông dân chưa nhận diện hết các loài sinh vật có ích trên ruộng lúa nên khi phát hiện sâu hại lúa như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, sâu keo, cuốn lá lớn... với mật độ chưa gây hại đã vội vàng phun thuốc hóa học tiêu diệt. Từ đó tiêu diệt luôn các loài thiên địch hiện hữu trên ruộng đang tìm kiếm sâu hại để tiêu diệt, giúp bảo vệ mùa màng.

Trao đổi cùng một số bà con đang sản xuất lúa vụ đông xuân: Anh Nguyễn Công Dũng, TDP13, phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột sản xuất 2.000 m2 lúa, giống ST24  vụ đông xuân, lúa đang thời kỳ đẻ nhánh. Ruộng lúa của anh Dũng xanh tốt, tuy nhiên trên ruộng chỉ có đan xen một vài chòm lúa hơi vàng lá do di chứng còn lại của bọ trĩ gây hại trong thời kỳ mạ trước đó. Anh Dũng đang hòa thuốc trừ sâu hóa học với thuốc trừ bệnh để phun cho lúa. Sau khi được phân tích tại ruộng nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp bảo vệ những côn trùng có ích đang săn mồi (là sâu hại) trên ruộng, anh Dũng đã hiểu được thêm về quản lý dịch hại, bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng và anh đã dừng việc bơm thuốc hóa học khi chưa cần thiết. Anh cho biết thêm, trước đây do bận nhiều việc nên anh chưa tham gia đươc các lớp tập huấn về các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM (Integrated Pests Management) cũng như chương trình quản lý cây trồng tổng hợp ICM ( Integrated Crop Management) trên lúa, nên chưa vận dụng các loài thiên địch có sẵn trên ruộng để tiêu diệt sâu hại, giờ anh đã hiểu ra. Một trường hợp khác:  chị Nguyễn Thị Loan, có 4.000mlúa, sản xuất cùng cánh đồng với anh Dũng cho biết, trước kia chị có tham gia tập huấn do được hỗ trợ làm mô hình lúa, nhưng những năm gần đây, do gia đình sản xuất thêm các loại cây trồng khác, nên chị không có thời gian tiếp tục tham gia tập huấn và cũng quên dần hoạt động nhận diện các loài thiên địch trên ruộng và các biện pháp bảo vệ thiên địch. Ruộng chị giờ đang thời kỳ đẻ nhánh và chị đã 2 lần sử dụng thuốc hóa học để bơm trừ sâu bệnh, thời gian tới chị tranh thủ tham gia các lớp tập huấn để sản xuất lúa an toàn, chất lượng trên cơ sở giữ cân bằng hệ sinh thái ruộng lúa.

Chị Nguyễn Thị Loan đang nghe hướng dẫn cách bảo vệ thiên địch trên ruộng

Anh Nguyễn Công Dũng - kiểm tra các loại thiên địch trên ruộng của mình

Cần bảo vệ lực lượng thiên địch trên ruộng bằng nhiều biện pháp hữu hiệu mà trước tiên phải hạn chế tối đa và đi đến không sử dụng thuốc hóa học trên ruộng lúa. Để hạn chế sử dụng thuốc hóa học cần quan tâm đến chương trình IPM, ICM trên lúa; cụ thể là sử dụng các giống lúa mới để kháng sâu bệnh hại, cung cấp dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu sinh lý của cây lúa qua từng thời kỳ sinh trưởng để cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe. Nếu buộc phải dùng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại thì phải ưu tiên thuốc sinh học không ảnh hưởng đến thiên địch, để tận dụng những thiên địch tiếp tục khống chế dịch hại trên đồng ruộng./.

                                                                                                                                   Cẩm Lai - Trạm KN TP. MBT

 

TIN NỔI BẬT