• Tìm chúng tôi trên

Tăng cường kiểm soát tôm hùm nước ngọt ngoại lai có nguy cơ xâm hại

24/06/2019 11:52:50 GMT+7

Sở Tài Nguyên và Môi trường Tỉnh Đăk Lăk vừa ban hành Văn bản số 1342/STNMT-BVMT về việc tăng cường công tác quản lý loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn Tỉnh - loài tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii).

Để hạn chế các tác động của loài tôm hùm nước ngọt nêu trên đến môi trường và đa dạng sinh học trên địa bàn của Tỉnh, Trung tâm Khuyến Nông Tỉnh Đăk Lăk  với vai trò là đơn vị chuyển giao kỹ thuật xin được cập nhật nhanh một số thông tin về đặc điểm và tác hại của loài tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii)  để bà con nông dân cũng như các đơn vị liên quan hiểu rõ tác hại của loài sinh vật  ngoại lai này, từ đó chủ động không tham gia hoạt động mua bán, nuôi trồng, phát tán, sử dụng làm thực phẩm; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng để xử lý khi phát hiện loại tôm hùm nước ngọt này phát tán tại địa phương.

  1. Đặc điểm nhận dạng về tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii)

Đặc điểm nhận dạng:

- Kích thước: cá thể trưởng thành trọng lượng từ 5-10g tới 50-60 g với tổng chiều dài trong khoảng 5.5-6.5 cm tới 10.5 tới 11.5 cm. Kích thước thương mại phổ biến là 10-30 g hoặc 7.5-10.5 cm.

- Màu sắc: toàn thân có màu sắc chủ yếu là màu đỏ đến màu đỏ sẫm. Trước khi trưởng thành, màu sắc chủ yếu là màu nâu xanh, với độ đậm được quyết định bởi độ trong của nước. Tuy nhiên, các sắc tố đỏ có thể xuất hiện trên các phần phụ, đặc biệt là các chân bơi.

- Đặc điểm nổi bật và dễ nhận dạng nhất của loài: là chủy và vùng sau chủy tạo thành hình mũi nhọn, các gai mép bên chủy khá phát triển, rãnh đầu ngực rất hẹp, các chấm màu đỏ xuất hiện ở hai càng, cạnh bên của càng có nhiều bướu nhỏ (xem hình minh họa).

  1. Đặc tính sinh thái

Procambarus clarkii có thể sống ở nhiều môi trường nước ngọt như sông, hồ, ao, suối, kênh, mương, và đầm lầy ngập nước theo mùa. 

Đây là loài có sức chịu đựng và thích nghi với nhiều điều kiện thủy vực khác nhau, chẳng hạn như độ mặn trung bình, nồng độ oxi thấp, nhiệt độ khắc nghiệt, và môi trường ô nhiễm. Tôm hùm nước ngọt phát triển mạnh trong các hệ sinh thái đất ngập nước ấm và nông của các khu vực đất nông nghiệp và đất tự nhiên như ở Nam và Trung Âu, nơi mà loài này đã thiết lập được quần thể. 

Các đặc điểm hành vi khác nhau của loài có thể đóng góp vào khả năng xâm lấn của các loài bao gồm: hành vi hung hăng, ví dụ, giúp loài thay thế các loài bản địa; khả năng vận động và phân tán có thể ảnh hưởng đến tốc độ lây lan; hành vi đào hang có thể giúp đối phó với các áp lực môi trường như trốn tránh động vật ăn thịt, tìm kiếm nguồn nước trong mùa khô hạn; và hành vi chăm sóc con non giúp tăng khả năng sống sót của con non.

  1. Nguồn gốc phân bố và con đường du nhập

Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) là một trong những loài tôm vỏ cứng có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, tới nay đã phân bố tại hơn 20 quốc gia thuộc cả 5 Châu. Tôm hùm nước ngọt xuất hiện ở các nước như: Mỹ, Úc, Na Uy, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc... và một số quốc gia khác. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, tôm hùm nước ngọt đã được nhập từ Nhật Bản vào Trung Quốc và đã phát tán ra hơn 20 tỉnh của Trung Quốc.

  1. Tác động của tôm hùm nước ngọt

Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) là loài động vật ăn tạp, có khả năng thích nghi cao với môi trường, nhanh chóng thiết lập quần thể ở nơi chúng xuất hiện và cuối cùng trở thành loài chủ chốt của hệ sinh thái. Các tác động của loài đến môi trường và đa dạng sinh học đã được ghi nhận trên thế giới gồm cạnh tranh môi trường sống, truyền bệnh cho các loài tôm bản địa, giảm quần thể thực vật thuỷ sinh, động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua mối quan hệ ăn thịt và cạnh tranh; có thể ảnh hưởng tới việc thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích, tích lũy kim loại nặng; có khả năng đào hang gây thiệt hại cho hệ thống tưới tiêu nông nghiệp; có tác động đến ngành đánh bắt cá...  Loài này đã được ghi nhận xâm lấn tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Kenya, Ai Cập, Uganda, Zambia, Mê hi Cô, Cộng hòa Síp, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... Việc du nhập tôm hùm nước ngọt có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong quần xã thực vật và động vật bản địa. 

Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) đã góp phần vào sự suy giảm đáng kể của tôm bản địa châu Âu trong họ Astacidae thông qua truyền bệnh dịch tôm càng (Aphanomyces astaci) và cạnh tranh trực tiếp. Đặc biệt, các loài nguy cấp bao gồm các loài Austropotamobius pallipes, Astacus astacus, Austropotamobius torrentium. Người ta cũng nhận thấy loài tôm hùm nước ngọt P. clarkii cũng cạnh tranh với tôm bản địa ở Nhật Bản.

Hoạt động ăn thực vật mạnh của Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) thường gây giảm sinh khối và đa dạng sinh học của thực vật thủy sinh cỡ lớn được ghi nhận tại hồ Chozas, Tây Ban Nha, Hồ Naivasha ở Kenya, Hồ Massaciuccoli ở Ý, Hồ Doccia ở Ý, vùng đất ngập nước vùng Địa Trung Hải và bán đảo Iberia. 

Thêm vào đó các hoạt động kiếm ăn và hành vi đào hang của Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) làm thay đổi chất lượng nước, tăng sự xáo trộn sinh học, và gia tăng giải phóng chất dinh dưỡng từ trầm tích. Những thay đổi về đặc tính của nước làm thay đổi hệ sinh thái thủy sinh và được cho là gây ra sự bùng nổ của vi khuẩn lam (Cyanobacterium). Các hiệu ứng này đã được ghi nhận trong Công viên Quốc gia Las Tablas de daimiel ở Tây Ban Nha, tại Alentejo ở Bồ Đào Nha và tại Nhật Bản.

Các ảnh hưởng của Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) đối với nông nghiệp và thủy sản đã được ghi nhận từ nhiều nơi trên thế giới. Các hành vi đào hang của Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) thường gây tác động đến đê điều và các hệ thống tưới tiêu có thể dẫn đến mất nước và gây thiệt hại năng suất cây trồng. Các ghi nhận này đã được phát hiện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Kenya, Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. P. clarkii thường xuyên trở thành một loài ưu thế trong môi trường sống như ruộng lúa. Nếu có mặt trong công trình thủy lợi bao gồm hồ chứa, kênh dẫn nước của ruộng lúa, P. clarkii có thể gây thiệt hại kinh tế đáng kể do hoạt động đào hang làm thay đổi thủy văn, thất thoát nước và gây thiệt hại cho cây lúa.

Trên đây là một số đặc điểm nhận dạng và những tác hại gây ra từ loài Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii). Trung tâm Khuyến nông thông tin và phổ biến tới hệ thống khuyến nông Trạm huyện và đội ngũ khuyến nông viên nắm bắt và tuyên truyền rộng rãi đến bà con nông dân cũng như các cơ quan ban ngành để cùng nhau phối hợp ngăn chặn sự phát tán  của loài Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii). Khi phát hiện có phát tán ra môi trường phải kịp thời khoanh vùng, cô lập và diệt trừ triệt để loài tôm này; đồng thời, cần báo kịp thời với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp có hành vi vi phạm như: Mua bán, tàng trữ, nhân giống, sử dụng để chế biến làm thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi./.

 

Hồng Duyên

Tham khảo theo các tài liệu:

+ Một số loài sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam

+ Thông tư số 35/2018/TT-BTNT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên Môi trường quy định chỉ tiêu xác định và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại

 

 

TIN NỔI BẬT