• Tìm chúng tôi trên

Thúc đẩy ngành cà phê phát triển

22/03/2016 14:01:30 GMT+7

Ngày 21/3, tại Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã tổ chức hội nghị khởi động Dự án Phát triển bền vững cà phê Cuba và Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Ngày 21/3, tại Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã tổ chức hội nghị khởi động Dự án Phát triển bền vững cà phê Cuba và Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Ông Nguyễn Khắc Quang, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trình bày dự án

Ông Trịnh Khắc Quang, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chủ nhiệm dự án chủ trì hội nghị.

Theo kết quả nghiên cứu đánh giá của dự án, hiện nay, ngành cà phê Cuba đang có nhiều tiềm năng và thế mạnh. Tổng diện tích cà phê của nước này khoảng 66.100 ha, trong đó phần lớn là cà phê chè (Arabica) với 44.400 ha, sản lượng hằng năm đạt 8.100 tấn.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê nội địa của người dân Cuba khoảng 15.000 tấn/năm, vì vậy, mỗi năm họ phải nhập khẩu thêm 7.000 tấn cà phê. Mặc dù sản lượng cà phê trong nước thấp, nhưng chất lượng lại được thị trường thế giới ưa chuộng và đánh giá rất cao. Năm 2013, cà phê Cuba đã xuất khẩu ra 10 nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, người dân nơi đây còn lưu giữ được nhiều giống cà phê tốt, với khả năng kháng chịu hạn, sâu bệnh cao, đặc biệt là bệnh gỉ sắt, được xem là “kẻ thủ khó ưa” nhất của người trồng cà phê Việt nam.

Tuy nhiên, ngành cà phê Cuba cũng có nhiều khó khăn, hạn chế như: việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất cà phê còn hạn chế; năng suất cây trồng đạt thấp (khoảng 1,8 tạ nhân/ha), nguyên nhân là do giống thoái hóa, không đầu tư thâm canh và hầu như không có tưới; chưa có hệ thống khuyến nông phù hợp…

Đối với Việt Nam, cà phê là cây trồng có diện tích lớn; việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất ngày càng mạnh mẽ, đã tạo nên năng suất, sản lượng cà phê đạt khá (từ 2 - 4 tấn nhân/ha). Trong năm 2014, sản lượng cà phê Robusta xuất khẩu của Việt Nam đứng đầu thế giới…

Toàn cảnh Hội nghị

Trong 5 năm thực hiện dự án, phía Cuba sẽ chuyển giao cho Việt Nam từ 3 - 5 giống cà phê tốt có chất lượng cao, chịu hạn khá, chống chịu với một số sâu, bệnh hại chính; tổ chức khảo nghiệm, đánh giá và báo cáo cho Việt Nam kết quả và đề xuất nhân rộng nếu phù hợp; phối hợp với chuyên gia Việt Nam hoàn thiện các quy trình kỹ thuật canh tác (kết hợp giữa công nghệ và kinh nghiệm của Việt Nam với công nghệ và điều kiện thực tế của Cuba); chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) sử dụng trong canh tác cà phê cho Việt Nam; tổ chức cho chuyên gia Cuba sang công tác tại Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, phương pháp chọn tạo giống, nhân giống.

Ngược lại, chuyên gia Việt Nam sẽ sang Cuba mỗi năm 6 người, phối hợp với trung tâm đào tạo tại địa phương tổ chức các lớp khuyến nông, hội thảo và thực tập chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác và chế biến cà phê…

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và đưa ra nhận định rằng: Dự án Phát triển bền vững cà phê Cuba và Việt Nam giai đoạn 2016- 2020 mang ý nghĩa rất lớn, là chiến lược đúng đắn, kịp thời nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu chọn tạo giống cà phê, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác thích hợp với điều kiện sản xuất ở 2 nước. Qua dự án sẽ tiến hành trao đổi nguồn gen tốt, để sử dụng cho sản xuất và làm nguồn vật liệu tạo giống.

Các bên sẽ trao đổi kỹ thuật canh tác cà phê, những chế phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, công nghệ sau thu hoạch; đồng thời xây dựng mô hình trình diễn giống và kỹ thuật mới tại mỗi nước; nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ và đào tạo của mỗi bên…

Với những nội dung cụ thể, khoa học trên tinh thần hợp tác hữu nghị, Dự án hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy ngành cà phê Cuba và Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả.

                                                                      LÊ ĐÔNG HẢI

                                                              Nguồn: nongnghiep.vn

TIN NỔI BẬT