• Tìm chúng tôi trên

TRIỂN VỌNG TỪ NHỮNG CÂY TRỒNG MỚI TRÊN ĐẤT EA SÚP

29/11/2016 08:58:25 GMT+7

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Ea Súp đã có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư các dự án nông lâm nghiệp phải “bỏ cuộc” do đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt. Tuy nhiên có một số doanh nghiệp đã tìm tòi đầu tư phát triển những loại cây trồng mới, và hiệu quả kinh tế mang lại đáng để kỳ vọng.

Từ thị trấn Ea Súp, vượt khoảng 40 km đường đất, chúng  tôi tìm đến khu vực dự án cải tạo, quản lý và phát triển rừng của Doanh nghiệp tư nhân Phan Thuấn (xã Ea Bung). Băng qua những cánh rừng khộp cằn cỗi, khu vực dự án hiện ra với những hàng cây quýt thẳng tắp, xanh tươi mơn mởn. Xen kẽ trong đó là những hàng cây tếch cũng bắt đầu bén rễ vươn chồi. Ông Phan Văn Hương, chủ doanh nghiệp cho biết, năm 2012, đơn vị được UBND tỉnh cho thuê 444,2 ha rừng, đất rừng để thực hiện dự án cải tạo, quản lý bảo vệ và phát triển rừng, đến nay doanh nghiệp đã trồng được 58,5 ha keo lai. Tuy nhiên, đất ở đây cằn cỗi, cây keo lai phát triển chậm, dự kiến phải mất 7 năm mới cho thu hoạch. Hiệu quả kinh tế mà cây keo lai mang lại cũng không cao, chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/ha. Trong khi cách đó khoảng 6 km, mô hình trồng cam, quýt của Hợp tác xã Rạng Đông (xã Ea Bung) thu về khoảng 400-500 triệu đồng/ha...

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị:

Cần hướng đến phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Mới đây, trong buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Ea Súp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị nhận định: Ea Súp là địa phương có tiềm năng về phát triển nông nghiệp, và kinh tế nông nghiệp sẽ vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Do đó địa phương cần hướng đến phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm gia tăng giá trị sản xuất. Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nông lâm nghiệp trên địa bàn triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó nhân rộng ra cho nhân dân trong vùng.

 Ông Hương trăn trở: “Nhưng nếu chỉ trồng cây ăn trái thì không phù hợp với mục tiêu của dự án đề ra, mà phải làm sao vừa phát triển được rừng, vừa mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp...”. Sau nhiều lần tham vấn các chuyên gia nông lâm nghiệp, ông quyết định xin chủ trương của ngành chức năng cho thực hiện thí điểm Mô hình trồng cây tếch kết hợp với cây ăn quả có múi, và đã được cơ quan chức năng cho triển khai. 

“Cây tếch thì đã có nhiều nơi trồng trên đất rừng khộp và phát triển tốt, còn đối với cây quýt đường ở đây thì chưa được kiểm chứng nhiều. Do đó, khi quyết định đầu tư vào loại cây này, chúng tôi phải gửi mẫu đất, nước sang Nhật Bản để phân tích xem có phù hợp không. Kết quả cho thấy đất và nước ở đây rất phù hợp với cây quýt đường, nhưng chuyên gia Nhật Bản lưu ý phải bổ sung thêm thành phần kali, nếu không thì trái quýt sẽ không ngọt như trồng ở những nơi khác”, ông Hương kể. 

 

Thu hoạch chuối Nam Mỹ ở Công ty TNHH Hoàn Vũ.

Đến nay, dự án đã trồng được 10 ha quýt xen với cây tếch, với chi phí đầu tư khoảng 70 triệu đồng/ ha. Theo tính toán, quýt trồng sau 3 năm sẽ cho thu hoạch, mỗi héc-ta sẽ cho thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng/năm. Còn tếch khoảng 8-10 năm có thể khai thác, mỗi héc-ta cũng thu về khoảng 500 triệu đồng. Có thể thấy, mô hình này mang lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với trồng rừng sản xuất đơn thuần. Hiện nay, doanh nghiệp tiếp tục làm các thủ tục xin cơ quan chức năng cho phép nhân rộng mô hình này trên diện tích khoảng 170 ha. “Ở nước ngoài người ta còn trồng được rau trên sa mạc, còn mình ở đây đất rộng rãi, nước tưới đảm bảo, nếu quyết tâm làm sẽ thành công”, ông Hương tự tin nói.

Cũng trên vùng đất Ea Súp này, Công ty TNHH Hoàn Vũ (xã Ya Lốp) đầu tư trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu thành công. Hiện nay, đơn vị này đã trồng được khoảng 100 ha chuối Nam Mỹ, trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 60 ha. Với năng suất bình quân 70 - 80 tấn chuối/ha, giá bán khoảng 10.000 đồng/kg, mỗi héc-ta trồng chuối Nam Mỹ thu về khoảng 700 - 800 triệu đồng. “Đất đai ở khu vực này cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nên phải chấp nhận chi phí đầu tư cao, ứng dụng nhiều phương pháp khoa học kỹ thuật vào canh tác thì sản xuất nông nghiệp mới hiệu quả được”, ông Hà Cẩm Bình quản lý của Công ty TNHH Hoàn Vũ nhận định. 

Vạn Tiếp (baodaklak.vn)

TIN NỔI BẬT