• Tìm chúng tôi trên

Bàn cách nâng cao giá trị và hướng tới sản xuất hồ tiêu bền vững

11/08/2016 14:35:31 GMT+7

Sáng 10/8, tại TP. Pleiku (Gia Lai), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững để nâng cao giá trị”...

Sáng 10/8, tại TP. Pleiku (Gia Lai), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững để nâng cao giá trị”...

Quang cảnh Hội nghị

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị. Nhiều vấn đề cấp bách và nan giải của ngành hồ tiêu Việt Nam đã được đề cập; nhiều ý kiến thảo luận sâu sắc nhằm đưa ra những giải pháp hướng tới nền sản xuất hồ tiêu bền vững cũng đã diễn ra tại Hội nghị...

Từ "vỡ trận" hồ tiêu...

Hồ tiêu được trồng chủ yếu tại 9 tỉnh trọng điểm của nước ta, với tổng diện tích 97.590 ha. Trong đó, riêng 4 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng) đã chiếm 55.339 ha. Mấy năm gần đây, hồ tiêu được giá nên người dân ở các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt mở rộng diện tích, theo đó đã phá vỡ quy hoạch về cơ cấu cây trồng của Bộ NN-PTNT và các địa phương. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có trên 5.475 ha hồ tiêu được trồng mới.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN- PTNT) lo lắng: "Điều đáng lo ngại là, mặc dù diện tích hồ tiêu tăng nhanh, song ngành sản xuất hồ tiêu nước ta luôn đối mặt với bệnh chết nhanh, chết chậm trên những vườn cây".

Tổng diện tích nhiễm bệnh chết nhanh hại cây hồ tiêu là 868ha, tập trung nhiều ở các tỉnh Gia Lai, Đăk Nông, Bình Phước, Phú Yên, Đồng Nai (chiếm đến 96% diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh ở 9 tỉnh thành nói trên).

Trong khi đó, tổng diện tích nhiễm bệnh chết chậm còn tương đối lớn, trên 4.826h ha (riêng Gia Lai có hơn 2.081ha trong tổng số diện tích này).

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai thì tỉnh này là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu trồng mới trong năm 2016 khá lớn (trên 1.228ha). Thống kê tương đối chính xác thì tính đến ngày 5/8, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Gia Lai đã lên đến 16.328ha (trong khi quy hoạch đến năm 2020 là giữ ổn định diện tích hồ tiêu, quy mô 6.000ha).

Tuy vượt quy hoạch đến hơn 10.000 ha nhưng đến nay, tỉnh này vẫn chưa có một đề tài thực hiện công tác điều tra khảo sát đánh giá tuyển chọn giống hồ tiêu; chưa tổ chức khảo sát bình tuyển cây đầu dòng, vườn tiêu đầu dòng; chưa ban hành được tiêu chuẩn cơ sở đối với cây hồ tiêu nên không đủ chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây hồ tiêu không đảm bảo chất lượng.

Theo đó, nguồn giống phục vụ trồng mới hàng năm chủ yếu là do các cơ sở vườn ươm nhỏ lẻ cung ứng hoặc do người sản xuất tự ươm giống, tự trao đổi với nhau...

Việc quản lý chất lượng giống hồ tiêu trên địa bàn chưa chặt chẽ đã dẫn đến hệ lụy tất yếu: Diễn biến dịch bệnh trên cây hồ tiêu vô cùng phức tạp, diện tích bệnh chết nhanh, chết chậm trên địa bàn tỉnh chiếm gần 3.200ha, tập trung ở các huyện Chư Prông, Chư Pưh, Chư Sê, Đức Cơ…

 

...Đến "bội thực" thuốc bảo vệ thực vật

Giá hồ tiêu tăng mạnh, trong bối cảnh giá các loại cây trồng khác liên tục "lao dốc" như cà phê, cao su nên ngoài việc ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu, các chủ vườn tiêu đã không ngần ngại mà ra sức "bóc lột" vườn cây, bằng cách "tắm" thuốc BVTV cho vườn hồ tiêu.


Đoàn công tác thăm mô hình vườn tiêu chiều ngày 9/8

Đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia nhận định: Ngành sản xuất hồ tiêu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn của thị trường thế giới - vốn đã hết sức khắt khe: Đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc BVTV. Cụ thể, từ năm 2012 đến 2014, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam dao động ở mức từ 140 đến 150 nghìn tấn/năm, tuy nhiên năm 2015, con số này chỉ còn trên 133 nghìn tấn.

Theo kết quả tổng hợp cảnh báo của EU, từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2016, có 17 lô hàng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam bị phát hiện chứa dư lượng của 9 loại thuốc BVTV vượt mức quy định và cảnh báo về 3 chất có tần suất xuất hiện cao khác.

Nguyên nhân chính của việc tồn dư thuốc BVTV trong sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu là do nông dân trồng tiêu đã lạm dụng, sử dụng quá liều các loại thuốc diệt nấm, diệt côn trùng, tuyến trùng và nấm trong đất…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Dương khuyến cáo: “Trước cảnh báo của EU, ngay bây giờ nếu không có biện pháp xử lý sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Và nếu tiếp tục để EU cảnh báo như hiện nay thì sắp tới, rất có thể họ sẽ dừng nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam”.

Hồ tiêu Việt Nam hiện đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu, nếu EU tạm dừng thì 1 trong 7 loại cây trồng có giá trị trên tỷ đô này sẽ gặp khó.

“Hiện nay, chúng tôi đã ban hành quy trình quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu, trong đó bao gồm các giải pháp chủ yếu liên quan đến công tác phòng bệnh. Đẩy mạnh mô hình vừa sản xuất hồ tiêu an toàn, vừa phòng trừ được bệnh chết nhanh, chết chậm. Ngoài ra, chúng tôi cũng có chương trình giám sát thuốc BVTV trên cây hồ tiêu và đang xem xét đề xuất với Bộ NN- PTNT tạm dừng sử dụng một số hóa chất mà EU đã cảnh báo”, ông Dương cho biết.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị: Các tỉnh cần rà soát lại diện tích quy hoạch hồ tiêu; yêu cầu Cục BVTV cần có chương trình rà soát tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu cụ thể tại các địa phương để đánh giá đưa ra quy trình canh tác hồ tiêu an toàn, bền vững. Đồng thời giới thiệu những mô hình khuyến nông hiệu quả để người dân trồng tiêu tham quan học hỏi.

Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng yêu cầu các ngành liên quan có quy trình quản lý chặt chẽ các loại thuốc BVTV, tiếp tục đẩy mạnh, triển khai quyết liệt vấn đề này, đặc biệt là tại các tỉnh đang “nóng” liên quan đến thuốc BVTV.

Trước đó, chiều ngày 9/8, đoàn công tác của Bộ NN- PTNT cũng đã đến thăm một số mô hình trồng tiêu ở Gia Lai.

Tại mô hình hồ tiêu của Công ty Hoàng Anh - Gia Lai (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang), trên 100 ha hồ tiêu ở đây đã bước sang tuổi thứ 3 (27 tháng) và đã cho thu bói. Đây là vườn cây được đánh giá là ít sâu bệnh và phát triển rất tốt.

Theo các chuyên gia thì để có được thành công trên là do Cty được sự giúp đỡ tận tình của nhiều chuyên gia đầu ngành trong ngành hồ tiêu Việt Nam.

Đồng thời Cty cũng đã mạnh dạn phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất và phân phối thuốc BVTV, sử dụng hợp lý các loại sản phẩm này cho vườn cây nên hồ tiêu ở đây phát triển tốt và mang tính bền vững cao...

                                        Nguồn: nongnghiep.vn

 

TIN NỔI BẬT