• Tìm chúng tôi trên

ĐẮK LẮK: NHÌN LẠI 10 NĂM TRIỂN KHAI MÔ HÌNH CHĂN NUÔI AN TOÀN SINH HỌC

21/12/2020 14:33:36 GMT+7

Theo số liệu niên giám thống kê 2019, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đàn trâu có 39.499 con tăng 1,24% so với cùng thời điểm năm 2018; đàn bò 266.488 con tăng 1,97%, đàn lợn có 832.235 con giảm 2,0% và đàn gia cầm có 12,4 triệu con tăng 1,64% trong đó đàn gà có 10.806.545 con chiếm 87,03%, sản lượng thịt gia cầm hơi đạt 43.654 tấn tăng 160,81%. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đang có chiều hướng chuyển dịch sang phát triển theo hình thức tập trung có quy mô lớn nên số trang trại chăn nuôi là 469/787 trang trại nông nghiệp, chiếm 59,59%.

Tỉnh Đắk Lắk có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi như: thời tiết khí hậu, đất đai. Vị trí địa lý, giao thông thuận lợi kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên, gần với các thị trường tiêu thụ lớn như Tp Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng… Tỉnh Đắk Lắk đã có quy hoạch những khu tập trung và vùng chăn nuôi và có những chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ. Người chăn nuôi có nhiều kinh nghiệm, có trình độ tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi. Ngành chăn nuôi phát triển rất mạnh với tốc độ tăng trưởng qua các năm tương đối cao. Theo số liệu niên giám thống kê 2019, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đàn trâu có 39.499 con tăng 1,24% so với cùng thời điểm năm 2018; đàn bò 266.488 con tăng 1,97%, đàn lợn có 832.235 con giảm 2,0% và đàn gia cầm có 12,4 triệu con  tăng 1,64% trong đó đàn gà có 10.806.545 con chiếm 87,03%, sản lượng thịt gia cầm hơi đạt 43.654 tấn tăng 160,81%. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đang có chiều hướng chuyển dịch sang phát triển theo hình thức tập trung có quy mô lớn nên số trang trại chăn nuôi là 469/787 trang trại nông nghiệp, chiếm 59,59%.

 Những “rào cản” trong phát triển chăn nuôi

Mặc dù tổng đàn gia súc, gia cầm có số lượng lớn nhưng thường tập trung ở các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ manh mún, trình độ dân trí không đồng đều. Bà con chăn nuôi mang tính tự phát không theo định hướng quy hoạch gây bất ổn trong việc tiêu thụ sản phẩm làm cho cung nhiều hơn cầu dẫn đến sự phát triển chăn nuôi thiếu sự bền vững.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc gia cầm có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, gây thiệt hại kinh tế lớn đối với bà con chăn nuôi. Giá cả thị trường không ổn định, tập quán chăn nuôi lạc hậu đã ăn sâu bén rễ hàng nhiều đời nay khó có thể xóa bỏ trong một thời gian ngắn, thiếu kiến thức chăn nuôi ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, không quan tâm tới công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và chưa chú trọng đúng mức đến việc bảo vệ sức khỏe con người. Cách nuôi này đã gây nên những hệ lụy xấu tiềm ẩn nguy cơ và thách thức lớn về dịch bệnh, môi trường, chất lượng an toàn thực phẩm nên tác động xấu tới cả quá trình xây dựng và phát triển kinh tế chăn nuôi.

Chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ lẻ là chủ yếu, tự phát không theo quy hoạch phát triển của địa phương. Do đó, xây dựng vành đai an toàn không đảm bảo trong quản lý dịch bệnh đối với cơ sở chăn nuôi. Tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Giá cả đầu vào cao như con giống và thức ăn chăn nuôi cao nhưng giá sản phẩm bán ra thì thấp có nhiều biến động và ở mức cao trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi thì thấp, đặc biệt trong thời gian qua xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm đã gây thiệt hại kinh tế tác động đến tâm lý đầu tư vào chăn nuôi của người dân gây khó khăn trong công tác tái đàn sau dịch và nhân đàn phát triển sản xuất. Tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, sản xuất mang tính tự cung tự cấp nên bà con chưa quan tâm đến tiêm phòng, chất lượng con giống, hiệu quả kinh tế. Là địa bàn rộng lớn nên đi lại khó khăn, có 49 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, đa sắc tộc đa văn hóa nên khó khăn trong việc tác động thay đổi tập quán và phương thức sản xuất. Không có các doanh nghiệp về tiêu thụ và chế biến sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp trong đó có chăn nuôi. Bà con nông dân còn e ngại trong việc thay đổi thói quen chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gây khó khăn trong công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho vật nuôi.

Đồng hành cùng nông dân

Đứng trước thực trạng chăn nuôi thiếu bền vững, liên kết, vì vậy tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương, định hướng phát triển chăn nuôi bền vững và sản xuất hàng hóa. Để đạt được mục tiêu đó đúng định hướng phát triển chăn nuôi của địa phương, phòng chống dịch bệnh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thì biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học được đặt lên hàng đầu là lựa chọn cấp thiết phù hợp trong việc định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Trong 10 năm qua (2010 – 2020), từ nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh là 1,850 tỷ đồng nên Trung tâm đã xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh với quy mô 21.010 con gà và 146 con heo cho 201 hộ nông dân tham gia. Mục tiêu của mô hình nhằm giúp bà con tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, thay đổi phương thức tập quán từ chăn nuôi thả rông, manh mún nhỏ lẻ không quản lý sang chăn nuôi có cách ly, kiểm soát, tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa và an toàn bền vững. Hạn chế mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và tăng thu nhập cho người chăn nuôi, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi và cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Mô hình gà an toàn sinh học tại huyện Ea Sup

Từ lúc mới bắt đầu, bà con luôn nghĩ rằng chăn nuôi an toàn sinh học là phải áp dụng các công nghệ hiện đại rất “cao siêu” và chỉ áp dụng được ở chăn nuôi công nghiệp có quy mô lớn nên bà con còn rất e dè khi tiếp cận. Dựa trên quy trình chăn nuôi an toàn sinh học trong QCVN 01-15:2010/BNNPTNT và QCVN 01-14: 2010/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm đã áp dụng quy trình vận dụng vào chăn nuôi nông hộ một cách linh hoạt giúp bà con biết cách cải tạo nâng cấp cơ sở điều kiện chăn nuôi như chuồng trại kho thức ăn, thuốc thú y... đảm bảo yếu tố cách ly riêng biệt cho từng khu vực chăn nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh thú y sát trùng và hướng dẫn xử lý chất thải để không gây ô nhiễm môi trường.

Thông qua mô hình, bà con được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình các bước của quy trình kỹ thuật nên bà con đã có những cái nhìn trực diện về các bước thực hiện các tiêu chí an toàn sinh học trên thực tế rất đơn giản chỉ là thay đổi hành vi, thói quen chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh xâm nhập trực tiếp hoặc gián tiếp làm ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi.

Từ những mô hình này đã làm cho bà con thay đổi từ cách nghĩ đến cách làm, thay đổi phương thức sản xuất, kiến thức, nhận thức và đặc biệt là tư duy trong sản xuất nông nghiệp dần hình thành những trang trại, vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh để phát triển kinh tế.

Phát triển trang trại từ mô hình khuyến nông

Bên cạnh việc chuyển giao kỹ thuật thể hiện qua các mô hình trình diễn, Trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học cho nông dân, cho khuyến nông viên cơ sở, dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Những học viên được tập huấn chính là những tuyên truyền viên tích cực ở các địa phương nhằm cung cấp thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật và khuyến cáo trong chăn nuôi để giúp cho gia đình mình và bà con nông dân tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao.

Qua đó, năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ Trung tâm đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, thể hiện được vai trò và vị trí của Trung tâm trong lĩnh vực nông nghiệp xứng đáng là bạn đồng hành của bà con nông dân. Những kinh nghiệm thu được sẽ tạo điều kiện để Trung tâm thực hiện tốt hơn các chương trình khuyến nông khác trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm sử dụng hết nguồn lực từ hệ thống khuyến nông địa phương giúp bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Giải pháp phát triển bền vững

Phát huy tối đa lợi thế của địa phương để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ manh mún nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, an toàn bền vững. Quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng để tạo hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất chăn nuôi đến giết mổ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Xây dựng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh và hướng dẫn bà con chăn nuôi xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra sản phẩm nông nghiệp thông minh.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, tạo sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chăn nuôi hạn chế sử dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, vietgap, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp để góp phần từng bước đưa nền nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk ngày càng khởi sắc thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

                                                                                                                                            Cao Phúc

 

 

TIN NỔI BẬT