• Tìm chúng tôi trên

Giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững vùng Tây nguyên

28/12/2016 09:13:08 GMT+7

Ngày 26/12/2016, tại huyện CưMgar, tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững”

Thực hiện Quyết định số 4267/QĐ-BNN-HQT ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề cương dự toán hoạt động Tăng cường thực hiện diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp về sản xuất lúa gạo và cà phê bền vững tại Việt Nam (VinSat). Ngày 26 tháng 12 năm 2016, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với UBND huyện CưMgar tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững

Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo một số Cục,  Vụ, Viện liên quan thuộc Bộ Nông Nghiệp&PTNT; Ban quản lý Dự  án VinSat, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây nguyên; Trung tâm Khuyến nông và nông dân năm tỉnh khu vực Tây nguyên. Về phía địa phương có đại diện lãnh đạo UBND huyện Cư Mgar, nông dân và đại diện lãnh đạo UBND các xã nằm trong vùng dự án; các đơn vị liên quan thuộc tỉnh Đắk Lắk; Một số cơ quan thông tấn, báo chí trung ương địa phương và các doanh nghiệp cũng đến tham dự diễn đàn.

 

Toàn cảnh buổi Diễn đàn

Trong chương trình làm việc của Diễn đàn, buổi sáng các đại biểu và nông dân đã đi tham quan mô hình trồng thâm canh cà phê và mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên cây cà phê tại thôn 6, xã EaKpam huyện CưMgar và chương trình làm việc buổi chiều Diễn đàn được lắng nghe các báo cáo tham luận liên quan đến các giải pháp phát triển cà phê bền vững ở Tây Nguyên; Tình hình phát triển cà phê bền vững tại tỉnh Đắk Lắk cũng như hiệu quả mô hình thâm canh và tưới tiết kiệm cho cà phê do Viện Khoa học Kỹ thuật NLN Tây nguyên; Cục trồng trọt; Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk trình bày. Bên cạnh đó Diễn đàn còn được lắng nghe báo cáo của nông dân điển hình, doanh nghiệp liên quan trong thực hiện việc trồng và chăm sóc cà phê bền vững. Nhưng có lẽ nội dung được đông đảo nông dân quan tâm và làm cho không khí diễn đàn trở nên sôi nổi đó là phần trao đổi thảo luận của nông dân tham dự với Ban chủ tọa và ban cố vấn của Diễn đàn.

 

Ban chủ tọa và Ban cố vấn của Diễn đàn trả lời các câu hỏi của bà con nông dân

Diễn đàn là dịp để nông dân trồng cà phê vùng Tây Nguyên được trao đổi, thảo luận cùng các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp về các vấn đề như: chủ trương, chính sách và giải pháp khoa học công nghệ trong trồng và chăm sóc cà phê bền vững vùng Tây Nguyên; công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong tái canh cà phê để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và sản xuất bền vững tại vùng Tây Nguyên nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê...Theo đánh giá cúa TS Nguyễn Văn Khởi – Giám đốc TTKNQG: “Diễn đàn  diễn ra trong thời điểm cuối năm là dịp để đánh giá những mặt được và chưa được trong công tác chỉ đạo sản xuất cà phê, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và canh tác cà phê để giảm thiểu ít nhất những tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê để không ảnh hưởng đến sản lượng cà phê những năm tiếp theo”

 Sau thời gian trao đổi và thảo luận sôi nổi, Ban cố vấn Diễn đàn là các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp đã giải đáp hơn 30 câu hỏi của bà con nông dân, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu như: cơ cở cung cấp cây giống cà phê chất lượng để phục vụ cho việc tái canh cà phê; các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê bền vững; những vấn đề cần lưu ý trong tái canh cà phê; phòng trị một số sâu bệnh hại trên cây cà phê như bệnh thối thân, cháy lá, rệp sáp, ve sầu..  canh tác cà phê ứng phó với biến đổi khí hậu; hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm trên cây cà phê, đặc biệt là các câu hỏi liên quan đến Dự án VinSat; các chính sách hỗ trợ của Dự án cho nông dân tái canh cây cà phê. 

Bế mạc diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Khởi nhấn mạnh, để phát triển cà phê bền vững thì cần thực hiện các giải pháp đồng bộ liên quan đến: quy hoạch đồng bộ, công tác giống, biện pháp canh tác ( tưới nước; bón phân…..); thổ nhưỡng; thực hiện linh hoạt các biện pháp ghép cải tạo và tiến đến thực hiện các chương trình cà phê chứng nhận có như vậy mới giải được bài toán nâng cao hiệu quả và phát triển cà phê bền vững vùng Tây nguyên. Hoàng Liên

 

TIN NỔI BẬT