• Tìm chúng tôi trên

Tư duy sản xuất nông nghiệp để chuyển từ phát triển sản xuất nông nghiệp “đơn giá trị” sang “đa giá trị”

26/04/2023 13:45:56 GMT+7

Tích hợp đa giá trị là kết tinh tài nguyên bản địa, với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến và cả những bản sắc văn hóa - xã hội, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Tư duy sản xuất nông nghiệp

Tư duy sản xuất nông nghiệp là lấy sản lượng làm mục tiêu, còn tư duy kinh tế nông nghiệp là lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nghĩa là chuyển đổi tư duy tăng sản lượng sang tăng giá trị. Tư duy sản xuất nông nghiệp là bán cái mình có, tư duy kinh tế nông nghiệp là bán cái thị trường cần (bao gồm giá trị, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiện ích). Trong sản xuất, người nông dân ít khi tính tới chi phí đầu vào mà chỉ chú trọng đến giá bán, trong khi đó càng giảm chi phí đầu vào thì càng tăng được lợi nhuận, tăng giá trị gia tăng. Giá cao hay thấp chỉ phản ánh sự khan hiếm của hàng hóa, bàn tay vô hình của thị trường sẽ tự điều chỉnh giá cả.

Chuyển đổi tư duy nông nghiệp là nông nghiệp Việt Nam sẽ chuyển đổi không cạnh trang bằng số lượng, bằng khai thác tự nhiên mà hướng đến cạnh tranh bằng sản xuất ít, sản xuất tiết kiệm, giảm bớt sức ép môi trường, một nền nông nghiệp đem lại hiệu quả cao hơn. Tư duy kinh tế nông nghiệp được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đúc rút lại với 6 từ khóa “Hợp tác - Liên kết - Thị trường - Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng hóa sản phẩm chế biến”. Giảm được một đồng chi phí nghĩa là đã tăng được một đồng lợi nhuận cho người nông dân nếu cùng giá bán ra. Muốn nuôi con gì, cây gì thì đầu tiên những người nông dân phải hợp tác với nhau để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, thay đổi quy trình canh tác để ứng dụng khoa học kỹ thuật, để được Nhà nước hỗ trợ. Nhà nước không hỗ trợ từng hộ nông dân cụ thể, Nhà nước chỉ hỗ trợ hạ tầng dùng chung cho một mô hình.

Chuyển từ phát triển sản xuất nông nghiệp “đơn giá trị” sang “đa giá trị”

Trong tư duy kinh tế nông nghiệp, ngoài việc tư duy về tối ưu hóa bài toán kinh tế thông qua tăng giá bán, giảm đầu vào, tăng chất lượng, đa dạng sản phẩm, chế biến sâu… nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng từ đó nhận lại được giá trị tăng cao hơn thì một bước phát triển cao hơn là tích hợp đa giá trị vào sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp. Một sản phẩm thông thường cả người sản xuất và người tiêu dùng hiện nay thường chú trọng vào giá trị sử dụng là yếu tố cốt lõi để tạo ra giá trị sản phẩm nhưng giá trị tăng cao này thường không quá cao. Trong khi đó, rất nhiều yếu tố tiềm năng để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn thường đang không được chú trọng bao gồm các yếu tố: (1) Giá trị địa lý, địa danh, cảnh quan, vùng miền, quốc gia; (2) Giá trị tri thức, đặc biệt là tri thức bản địa và tính đổi mới sáng tạo của cộng đồng người sản xuất; (3) Giá trị lịch sử, văn hóa, ẩm thực bản địa; (4) Giá trị thương hiệu của sản phẩm, của vùng và cả quốc gia. Ngoài ra còn có các yếu tố đặc thù khác tùy thuộc vào sản phẩm và vùng sản xuất.

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Đắk Lắk cần tiếp tục phát huy lợi thế đưa văn hóa vào kinh tế nông nghiệp, tập trung kết nối tăng giá trị nông sản, đầu tư chiến lược cho phát triển nông nghiệp đa giá trị trong tương lai

Tích hợp đa giá trị là kết tinh tài nguyên bản địa với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến và cả những bản sắc văn hóa - xã hội tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Như vậy, người tiêu dùng sẽ không chỉ chi trả cho sản phẩm mà họ ăn, uống, mặc… mà còn chi trả cho các giá trị về nguồn gốc sản phẩm, bao bì, mẫu mã, thương hiệu sản phẩm, các giá trị gắn liền với địa phương, địa danh, cộng đồng, tính sáng tạo, tâm linh, văn hóa và cả các chia sẻ, hỗ trợ giữa cộng đồng người tiêu dùng với cộng đồng nông dân. Tuy nhiên, chuyển từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị” là một quá trình dài hơi với xuất phát đầu tiên là thay đổi tư duy trong đánh giá và sử dụng các lợi thế so sánh trong sản xuất và phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Một số yếu tố cơ bản đảm bảo cho “tích hợp đa giá trị” là: (1) Chất lượng sản phẩm phải ngang tầm quốc tế; (2) Người sản xuất và cộng đồng của họ phải tự hào về sản phẩm do chính họ làm ra; (3) các yếu tố có thể tạo ra giá trị cho sản phẩm phải được truyền tải đầy đủ và thu hút các câu chuyện sản phẩm; (4) người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm “đa giá trị” sâu với các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa và du lịch; (6) Hình thành các thương hiệu mạnh gắn với vùng, miền và thương hiệu quốc gia. Vì vậy, tích hợp “đa giá trị” là giải pháp để nông sản Việt Nam vượt qua bẫy sản phẩm “giá rẻ” và quan điểm về “nông nghiệp chất lượng thấp” trên thị trường./.

Trung tâm Khuyến nông - GCTVN&TS Đắk Lắk

Cao Phúc (T/h)

 

 

TIN NỔI BẬT