• Tìm chúng tôi trên

Khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên

29/12/2022 14:51:31 GMT+7

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên” đã diễn ra chiều 22/12/2022 tại Buôn Ma Thuột.

Ngày 22/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên”. Tham dự diễn đàn có hơn 200 đại biểu là thành viên các tổ khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất, tiêu thụ cà phê ở Tây Nguyên.

Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, việc xây dựng và đưa tổ khuyến nông cộng đồng vào hoạt động là chưa có tiền lệ, chưa có mô hình mẫu. Khuyến nông các tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng nguyên tắc hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng dựa trên nguyên tắc chung và thực tiễn của địa phương, bám sát nhu cầu sản xuất và yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ khuyến nông cộng đồng cần bám sát tình hình thực tiễn của từng chuỗi ngành hàng để năng động, sáng tạo, đồng hành cùng nông dân.

Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tỉnh Tây Nguyên có diện tích cà phê cho thu hoạch hơn 647.000 ha, chiếm 91,2% diện tích và 93,2% sản lượng cà phê (trong tổng số hơn 1,84 triệu tấn năm 2021) của cả nước. 5 tỉnh Tây Nguyên đã thành lập 167  hợp tác xã và 385 tổ hợp tác cà phê.

Tuy nhiên, sản xuất cà phê gặp khó khăn và thiếu bền vững, quy mô manh mún, nhỏ lẻ, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao; kỹ thuật canh tác chưa hợp lý; khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn thiếu liên kết với thị trường.

Giai đoạn 2022-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”; trong đó, các tỉnh Tây Nguyên được chọn để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê.

Thực hiện đề án, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã thành lập được 39 tổ khuyến nông cộng đồng với 178 thành viên. Ngoài ra, xác định công tác khuyến nông cần phải kiện toàn về tổ chức, đặc biệt là khuyến nông cơ sở, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.

 

Đến nay các tỉnh Tây Nguyên thành lập 47 tổ khuyến nông cộng đồng 

Sau 9 tháng triển khai, các tỉnh Tây Nguyên đã thành lập thí điểm 8 tổ khuyến nông cộng đồng với 42 thành viên, theo Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”. Nhìn chung, các tổ khuyến nông cộng đồng đã cơ bản phát huy được vai trò hoạt động.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ một số khó khăn, hạn chế của tổ khuyến nông cộng đồng hiện nay như: đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ khuyến nông một số nơi chưa thường xuyên, một số tổ chức khuyến nông sau thành lập hoạt động chưa hiệu quả do thiếu kinh phí…

Để tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, đại biểu đề xuất một số giải pháp như: đổi mới nội dung, phương thức hoạt động khuyến nông để thu hút người dân tham gia; tăng cường xã hội hoá hoạt động khuyến nông. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên tổ khuyến nông cộng đồng. Các cấp, ngành, địa phương cần kết nối thông tin, tổ chức đối thoại thường xuyên giữa người sản xuất cà phê, hợp tác xã/tổ hợp tác, tổ khuyến nông cộng đồng với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Thu, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk trồng cà phê hơn 30 năm nay. Theo ông Thu, nông dân trồng cà phê hiện nay gặp nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào cao, giá đầu ra thấp dẫn đến nông dân thu lãi thấp, có thời điểm không đủ trang trải.

Mặt khác, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần nghiên cứu, có phương án để giá cà phê đạt hơn 60.000 đồng/kg cà phê nhân chất lượng cao và ổn định; trong đó, tổ khuyến nông cộng đồng cần đồng hành, hỗ trợ người dân để có giải pháp giảm chi phí đầu vào và sản xuất đạt yêu cầu của thị trường.

Theo anh Vũ Đình Khiêm, Điều phối viên Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk, việc thành lập tổ khuyến nông cộng đồng là cần thiết. Đội ngũ khuyến nông là mắt xích kết nối để chuyển giao khoa học kỹ thuật của nhà nước đến nông dân, kết nối doanh nghiệp với nông dân. Diễn đàn là bước khởi đầu, sau đó cần đào tạo tổ khuyến nông cộng đồng về kỹ thuật, thông tin thị trường, kỹ năng truyền thông, nâng cao năng lực của đội ngũ khuyến nông để đáp ứng bối cảnh hội nhập.

Tại diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác hoạt động giữa 7 hợp tác xã với tổ khuyến nông cộng đồng và doanh nghiệp./.

 

Lễ ký kết hợp tác hoạt động giữa 7 hợp tác xã với tổ khuyến nông cộng đồng và doanh nghiệp 

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

 

TIN NỔI BẬT