• Tìm chúng tôi trên

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY SẦU RIÊNG

10/05/2021 19:39:17 GMT+7

Sầu riêng là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, do có khí hậu đặc thù nên sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên chín lệch vụ so với những vùng còn lại. Tại Đắk Lắk, sầu riêng được coi là cây ăn quả tiềm năng bởi giá trị kinh tế mà cây sầu riêng mang lại cao hơn nhiều loại cây công nghiệp thế mạnh của vùng. Tuy nhiên, để sầu riêng cho năng suất cao, chất lượng tốt, cây không bị suy kiệt làm ảnh hưởng đến các vụ tiếp theo thì việc trồng và chú ý đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật là vô cùng cần thiết.

Cây Sầu riêng, nếu được trồng và chăm sóc tốt, giai đoạn kiến thiết cơ bản thường kéo dài đến năm thứ 4, sau đó cây bắt đầu cho trái với năng suất tăng nhanh dần, cho thu hoạch ổn định ở năm thứ 7 và năng suất vườn sẽ giảm nhanh ở giai đoạn cuối. Thời gian kinh doanh của cây sầu riêng trung bình là 25 năm.

I. Kỹ thuật trồng.

I.1. Chọn giống.

- Cây giống: Nên trồng bằng cây ghép (ghép mắt hoặc ghép cành).

- Tiêu chuẩn cây giống (trồng xen): Chiều cao cây sầu riêng giống phải đạt 35 - 40 cm; cây thẳng, vững chắc; có trên 3 cành cấp 1; vết ghép liền và tiếp hợp tốt; đường kính thân (đo trên vết ghép 2 cm) phải đạt trên 0,8 cm; số lá trên thân chính phải hiện diện đủ từ 1/3 chiều cao của cành ghép đến đỉnh chồi; lá ngọn đã trưởng thành, xanh tốt; cây được huấn luyện ánh sáng hoàn toàn từ 10 - 15 ngày; tuổi cây xuất vườn từ 5 - 7 tháng tuổi sau khi ghép.

I.2. Đất trồng.

- Đất trồng sầu riêng phải đảm bảo chủ động trong việc tưới và tiêu nước để đảm bảo đủ nước tưới trong mùa khô và thoát nước tốt trong mùa mưa cũng như có thể tạo khô hạn để xử lý cây ra hoa nghịch vụ. 

* Đối với trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê vối thì diện tích trồng cà phê vối đảm bảo các điều kiện về tỷ lệ nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ do tuyến trùng hoặc nấm trong đất gây hại không quá 5% đối với vườn trồng mới, vườn tái canh và không quá 10% đối với vườn cà phê đang kinh doanh.

I.3. Thời vụ trồng.

Nếu chủ động nước tưới thì có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa (từ T6 - T8 dương lịch).

* Lưu ý: Không nên trồng lúc mưa dầm vì cây sẽ chậm phát triển hoặc chết do nghẹt rễ.

I.4. Mật độ, khoảng cách trồng.

- Trồng thuần:

+ Trồng thưa: Khoảng cách 10m x 10m (100 cây/ha); 10m x 12m (83 cây/ha).

+ Trồng dày: Khoảng cách: 5m x 6m (330 cây/ha); 6m x 8m (208 cây/ha); 6m x 9m (185 cây/ha).

- Trồng xen: (Áp dụng Quy trình trồng xen ban hành kèm theo Quyết định 3702/QĐ-BNN-TT ngày 24/9/2018).

+ Khoảng cách: 12m x 12m (69 cây/ha) hoặc 12m x 15m (55 cây/ha).

I.5. Đào hố, bón lót.

- Hố được đào vào các tháng mùa khô (tháng 4 - 5);

- Kích thước hố: 60 x 60 x 60 cm.

- Bón lót trước khi trồng từ 20 – 30 ngày.

- Lượng phân bón lót: 20-30kg phân chuồng hoai mục; 0,5kg lân nung chảy; 0,5kg vôi.

Xử lý đất trong hố trước khi trồng có thể dùng thuốc có hoạt chất Imidacloprid (Confidor 200SL 0,1%, 0,5lít/hố) hoặc Diazinon (Diazan 50EC khoảng 50g/hố) để trừ kiến, mối.

I.6. Kỹ thuật trồng.

- Bước 1: Đảo phân ở trong hố từ trên xuống dưới, ngoài vào trong cho phân được đều khắp hố.

- Bước 2: Tạo điểm đặt cây sầu riêng ở trong hố trồng, tùy theo kích thước của bầu để tạo hố cho phù hợp. Ở giữa hố trồng đào một lỗ sâu khoảng 20cm, có đường kính lớn hơn bầu ươm 1 - 2cm.

- Bước 3: Đặt bầu cây vào hố trồng, lấp đất.

* Chú ý: Trồng ngang bằng với mặt hố để tránh ngập úng.

- Bước 4: Cắm cọc giữ cây.

- Bước 5: Tưới nước sau khi trồng.

- Bước 6: Che nắng cho cây con mới trồng (không che quá 50% ánh sáng mặt trời) đồng thời tủ gốc giữ ẩm cho cây.

II. Chăm sóc.

II.1. Tưới nước.

a. Giai đoạn cây con:

Tưới nước để giảm tỷ lệ cây chết, giúp cây mạnh khoẻ nhanh cho trái.

b. Giai đoạn cây ra hoa:

- Ngưng tưới nước sẽ kéo dài trong suốt thời gian từ khi xử lý mầm hoa đến khi mắt cua ra hoàn chỉnh.

- Tưới nước trở lại khi mắt cua ra hoàn chỉnh (mắt cua dài 2-3 cm).

- Tuỳ điều kiện từng vùng: 1-2 ngày tưới 1 lần và duy trì tưới nước bình thường trong suốt giai đoạn bông.

c. Giai đoạn cây cho trái:

Sau khi đậu trái, lại tưới với lượng nước tăng dần từ từ đến mức bình thường trở lại để giúp trái phát triển tốt, chất lượng cao. Nếu không được cung cấp đủ độ ẩm cây sẽ bị rụng trái.

II.2. Bón phân.

a. Thời kỳ cây tơ (1-3 năm tuổi):

- Hàng năm cần bổ sung phân hữu cơ vi sinh cho cây 4-5 kg

- Chia lượng phân làm 6 lần để bón (mỗi lần cách nhau 2 tháng). Số lượng phân cụ thể như sau: Sử dụng NPK 20:10:10 (hoặc 16:16:8) 500 - 600g/cây, bón vùi vào đất cách gốc 20-30 cm.

b. Giai đoạn cây cho trái:

Cần bổ sung lượng phân đầy đủ và cân đối giữa hữu cơ và vô cơ.

Lần 1: Sau thu hoạch  cần tỉa cành và bón phân chuồng hoai 20-30kg/cây và 1,5 -2,0 kg/cây phân NPK 16-16-8. Có thể phun thêm phân bón lá 33-11-11 hoặc 20-20-0 kích thích cây cơi đọt, nhằm tạo bộ lá xum xuê khoẻ mạnh.

Lần 2: Trước khi ra hoa 30- 40 ngày bón phân vô cơ có hàm lượng lân cao theo công thức N:P:K = 10:50:17 để giúp quá trình ra hoa dễ dàng (2,0-3,0 kg/cây).

Lần 3: Giai đoạn đậu trái, khi trái sầu riêng to bằng trái chôm chôm bón 1,5-2,0 kg NPK 15-15-15 hoặc 16-16-16 để giúp trái phát triển nhanh và chất lượng cao. Bổ sung phân bón lá trung vi lượng Bo, Zn...

Lần 4: Trước khi quả chín 1 tháng bón 2,0 – 3,0kg NPK (12-12-18+TE ) kết hợp với 1 - 1,5kg phân K2SO4 để tăng chất lượng quả.

Ngoài ra còn có thể sử dụng phân bón lá bổ sung các yếu tố trung vi lượng. Có thể phun bón lá làm 5 lần mỗi lần cách nhau một tuần bắt đầu từ tuần thứ 5 sau đậu trái.

* Lưu ý: Không dùng phân có chứa Clo để bón cho sầu riêng, vì sẽ làm giảm phẩm chất trái.         

II.3. Tạo hình cho cây sầu riêng.

a. Thời kỳ KTCB:

- Trong khoảng 6-8 tháng đầu tiên cho cây phát triển tự nhiên, sau đó chọn nuôi 1 chồi khỏe nhất (chồi thân, mập, vươn thẳng). Tỉa bỏ hết chồi gốc, cắt hết cành mọc ra từ gốc ghép; Tỉa bỏ hết cành vượt mọc đứng bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất để cây phát triển tốt.

- Khi cây có chiều cao từ 2,0m trở lên: Định hình cây sầu riêng để có bộ tán cân đối: Xác định cành đầu tiên cách mặt đất; Khoảng cách giữa các cành; Tuyển chọn các cành phân bố đều theo các hướng.

b. Thời kỳ Kinh doanh:

- Sau thu hoạch (tháng 9-10) vào giai đoạn mùa mưa, tiến hành tỉa cành mọc vượt, cành mọc yếu, cành bị sâu bệnh gây hại nặng, cành suy kiệt do mang nhiều quả, cành mọc xen, mọc dày trong tán, cành đan giữa hai cây.

- Tỉa cành hay cụm cành mọc từ thân, cành chính, cành mọc vượt, cành mọc bên trong tán, hoặc nơi không mong muốn.

* Lưu ý: Vệ sinh cho vết cắt có đường kính ≥ 1cm

II.4. Tỉa hoa, tỉa trái.

a. Tỉa hoa: Tỉa bỏ toàn bộ bông đầu cành; Tỉa thưa các chùm bông trong cành,  giữ các chùm bông cách nhau khoảng 15 - 20 cm, ưu tiên chừa lại chùm bông dưới dạ (bụng), tỉa bỏ các chùm bông bên hông. Đối với  bông trong một chùm: tỉa bỏ bông ốm, nhỏ, xấu, bị sâu bệnh, dị dạng... mỗi chùm bông chỉ chừa khoảng 10 - 20 bông.

b.Tỉa trái: Sau khi hoa nở được khoảng 3 đến 4 tuần, cần tiến hành loại bỏ những trái đậu dày đặc trong cùng một chùm, một chùm chỉ nên để lại 2 trái. Đầu tiên cần bỏ những quả bị sâu bệnh và méo mó trước. Tỉa lần 2: Sau khi cây đậu trái khoảng 8 tuần bắt đầu quan sát và loại bỏ những trái phát triển kém và nhỏ hơn những trái còn lại. Tỉa lần 3: Sau khi cây đậu trái khoảng 10 tuần tiếp tục loại bỏ những trái bị dị dạng và sâu bệnh.

* Lưu ý: Số trái giữ lại trên cây tuỳ thuộc vào sức khỏe của cây.

II.5. Thu hoạch.

Thời gian thu hoạch tùy theo đặc tính của từng giống: Các giống địa phương  từ khi xả nhị đến lúc thu hoạch khoảng 105-110 ngày. Các giống nhập như sầu riêng Dona từ lúc xả nhị đến thu hoạch là 130-135 ngày./.

(Bài viết tiếp theo: Hiện tượng sầu riêng rụng trái non, nguyên nhân và biện pháp khắc phục; Quản lý sâu bệnh hại trên Sầu riêng)

                                                                                                                                            Đinh Mai

 

  

 

TIN NỔI BẬT