• Tìm chúng tôi trên

QUY TRÌNH KỸ THUẬT GIEO TRỒNG LÚA BẰNG PHƯƠNG PHÁP SẠ KHÔ

17/09/2015 15:35:58 GMT+7

Gieo trồng lúa bằng phương pháp sạ khô được áp dụng ở những vùng thấp trũng nhưng không chủ động được nguồn tưới. Tại những vùng này thường thiếu nước vào đầu vụ,nhưng khi thời tiết có mưa đều đất lại bị ngập úng nên không thể trồng được những loại cây ngắn ngày khác.

QUY TRÌNH KỸ THUẬT GIEO TRỒNG LÚA

BẰNG PHƯƠNG PHÁP SẠ KHÔ

 

Gieo trồng lúa bằng phương pháp sạ khô được áp dụng ở những vùng thấp trũng nhưng không chủ động được nguồn tưới. Tại những vùng này thường thiếu nước vào đầu vụ,  nhưng khi thời tiết có mưa đều đất lại bị ngập úng nên không thể trồng được những loại cây ngắn ngày khác.

 Tùy theo điều kiện thời tiết của từng địa phương mà thời gian gieo sạ dao động từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 đến cuối tháng 6, đầu tháng 7. Thời vụ gieo sạ nên kết thúc chậm nhất vào giữa tháng 7. Sau thời gian này không nên gieo sạ nữa vì cây lúa sẽ không hội đủ những điều kiện tốt cho sinh trưởng, phát triển cũng như cho năng suất.

Ruộng gieo sạ khô nên được chia thành nhiều ô nhỏ, xung quanh ô làm bờ bao chắc chắn để khi có mưa  giữ nước trong ruộng được lâu. Việc làm đất nên được tiến hành trong thời gian chưa có mưa, khi ruộng chưa có nước. Đất được cày bừa kỹ, thu gom tàn dư thực vật của vụ trước đem đốt để hạn chế cỏ dại sau này. Sau khi có được 2 – 3 trận mưa đầu mùa là có thể tiến hành gieo sạ.

Gieo sạ: dùng máy phay đất lại (làm đất lần 2) và tiến hành gieo sạ.

- Đối với ruộng đất chỉ ẩm, chưa có nước lấp xấp thì hạt lúa giống không cần ngâm ủ đem gieo thẳng trên ruộng. Sau khi gieo dùng máy cày phay nhẹ đất hoặc dùng trâu bò bừa nhẹ đất 1 lần để lấp hạt.

- Đối với ruộng có nước lấp xấp thì ngâm ủ đến khi hạt nứt nanh và gieo sạ.

Nên sử dụng các giống lúa lai trong gieo trồng lúa bằng phương pháp sạ khô vì chúng có ưu điểm là bộ rễ khỏe, ăn sâu nên khả năng chống chịu hạn tốt. Lượng giống gieo sạ từ 5 đến 7 kg /sào.

Ruộng được cày xới, sạ khô.

Ruộng sạ khô do không có nước thường xuyên nên cỏ dại thường phát triển mạnh, vì thế sau khi gieo sạ cần có các biện pháp phòng trừ cỏ dại như phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm (Dual), hậu nảy mầm kết hợp làm cỏ bằng tay để đảm bảo năng suất cho lúa.

Bón phân cho lúa sạ khô với lượng phân và thời điểm bón cũng giống như lúa sạ nước nhưng chỉ bón khi đất ruộng ẩm hoặc có đủ nước. Nếu thời điểm bón phân đất ruộng bị khô thì phải chủ động bơm nước tưới. Nên sử dụng thêm phân bón lá để cung cấp bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho sự sinh trưởng phát triển của lúa theo từng giai đoạn.

Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh hại để phòng trừ và xử lý kịp thời.

                                                                                  Trà My 

TIN NỔI BẬT