• Tìm chúng tôi trên

Bệnh khảm lá trên cây sắn (cây khoai mì) và biện pháp phòng trừ

11/09/2018 10:25:21 GMT+7

Bệnh khảm lá sắn (khoai mì) có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), bệnh lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh, đây là bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ. Bệnh gây thiệt hại rất lớn, khi cây còn nhỏ nhiễm bệnh sẽ không cho thu hoạch, khi cây lớn nhiễm bệnh năng suất, chất lượng đều giảm.

 

  Bọ phấn trắng môi giới truyền bệnh khảm lá 

 

             Triệu chứng của virut gây hại khảm lắ sắn

Tại Việt Nam bệnh được phát hiện ở Tây Ninh vào tháng 6 năm 2017. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi Công điện khẩn số 5920 /CĐ-BNN-BVTV ngày 19/7/2017 đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện cấp bách việc tiêu hủy nguồn bệnh khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật đến ngày 24/5/2018 diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn ở Tây Ninh là 14.856 ha (nhiễm nặng 1.810 ha), bệnh đã lây lan sang Bình Dương với diện tích nhiễm là 195 ha (nhiễm nặng 10 ha). Bệnh được xác định gây hại nặng trên giống HL-S11.

Trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, Tính ngày 24/8/2018  đã phát hiện bệnh khảm lá sắn với tổng diện tích 1.129,45 ha tại các huyện ( Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn, M’Đrắk, Eakar, Krông Păk và Ea H’leo) các vùng trồng sắn còn lại hiện nay vẫn tiếp tục công tác điều tra, hiện tại chưa phát hiện bệnh

- Theo điều tra trực tiếp từ người dân có diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá thì hom giống được mua có nguồn gốc từ Tây Ninh và một số tỉnh lân cận.

* MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

- Chọn giống trồng: Chọn giống kháng bệnh, không nhiễm bệnh KM 94, KM 95; Không nhập hom giống bị nhiễm bệnh từ các vùng đang có dịch về trồng tại tỉnh như: HLS-11, KM 419, KM 140.

- Biện pháp luân canh: Không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt, …) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.

         - Đối với những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần phun trừ bọ phấn bằng thuốc BVTV như: Pymetrozine (Chess 50WG, Cheestar 50WG; Sagometro 50WG; Schezgold 500WG, 750WG; Newchestusa 500WG), Dinotefuran (Cyo super 200WP, Hitoshi 125ME, 200WP, 250WP, 400WP; Newoshineu 200WP,Oshin 20WP) ,...phun ướt đều toàn bộ tán lá sắn, phun khi bọ phấn giai đoạn ấu trùng thì hiệu quả cao hơn.

         Lưu ý: Sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”

- Khoanh vùng và tiêu hủy nguồn bệnh theo quy trình của Cục Bảo vệ thực vật, áp dụng với các ruộng sắn; Tiêu hủy một phần các ruộng sắn tỷ lệ bệnh < 70% số cây bị nhiễm bệnh, tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả củ), thu gom và đốt; Tiêu hủy toàn bộ các ruộng sắn tỷ lệ bệnh > 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt. Các ruộng sắn có khả năng thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây, tận thu củ còn thân lá phải đem tiêu hủy.

- Không vận chuyển, trao đổi hom giống và các bộ phận khác của cây khoai mỳ từ những vùng nhiễm bệnh sang vùng chưa nhiễm bệnh để trồng mới và lưu thông đến các vùng khác, địa phương khác. Tuyệt đối không sử dụng hom giống đã nhiễm bệnh khảm.

Ngô Thị Xuân - tổng hợp (nguồn: Chi cục BVTV Đắk Lắk)

 

TIN NỔI BẬT